Cô giáo mầm non nghề dành cho người yêu trẻ con

Ngày Đăng : 18/12/2018 - 2:46 AM
Ngày nay, nhiều giáo viên mầm non tự nguyện công tác ở vùng sâu, vùng xa mà không ngại khó về điều kiện dạy học, họ gạc bỏ mọi áp lực cuộc song để cho trẻ có thêm cơ hội học tập.

Bằng lòng yêu nghề và yêu trẻ con, rất nhiều cô giáo mầm non ở vùng khó khăn đã làm tròn trách nhiệm của mình, người mẹ thứ hai của trẻ.

Đối với các cô, tình yêu thương dành cho trẻ đã giúp bản thân vượt qua mọi khó khăn, để luôn gắn bó với trường với lớp.

Lòng mến trẻ chính là động lực

Một trong số những gương mặt giáo viên được vinh danh giáo viên tiêu biểu của huyện Trần Văn Thời, của tỉnh Cà Mau năm học 2017 - 2018 là cô giáo Nguyễn Ánh Tuyết. Cô là một trong số những tấm gương nhà giáo trẻ điển hình về tấm lòng nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ bằng lương tâm của một người mẹ đã có con nhỏ.

Ra trường, cô nhận công tác tại Trường Mẫu giáo 19/5 (thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) từ năm 2013. Trong suốt thời gian này là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ của cô Tuyết.

Được phân công phụ trách lớp Lá, những ngày đầu giảng dạy cô gặp nhiều bỡ ngỡ với môi trường thực tế. Khó nhất là việc trao đổi với phụ huynh về quá trình nuôi dạy trẻ, do tâm lý phụ huynh còn e ngại cô giáo trẻ còn “non” tay… Đó là những áp lực của cô Tuyết gặp phải trong thời gian đầu dạy học.

Không chùn bước, vẫn giữ vững quyết tâm cũng như kiên định với mục đích khi đến với nghề, cô Tuyết lặng lẽ vượt qua khó khăn bằng cách miệt mài trau dồi kiến thức, kỹ năng của bản thân và không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp.

Cô Tuyết tâm sự: “Tôi quan niệm đối xử với trẻ bằng tình thương chân thật, bản thân tôi có con nhỏ nên tôi rất hiểu những điều phụ huynh gửi gắm con cho các cô giáo. Đối xử như mẹ với con để trẻ cảm nhận được ở bên mình trẻ cũng có được cảm giác an toàn, được yêu thương như cha mẹ ở nhà, từ đó trẻ cũng sẽ mở lòng với cô giáo hơn”.

Tận tụy với nghề

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống nghề giáo của gia đình khi họ hàng bên ngoại đa phần đều theo nghề “gõ đầu trẻ”, cô giáo Ánh Tuyết rất tâm đắc với cách giáo dục bằng tình yêu thương dành cho học sinh.

Tuy công việc dạy học mầm non nhiều vất vả nhưng không làm các cô giáo như cô Tuyết nản lòng. Bản thân cô luôn mong muốn có những chủ đề dạy học cần nhiều sáng tạo, đặc biệt làm đồ chơi cho trẻ. Để làm được điều này, cô Tuyết tận dụng những phế liệu như: Vỏ chai nước, vỏ ốc, vỏ sò, đĩa CD, muỗng nhựa… làm đồ chơi. Cách này vừa tiết kiệm, đồ chơi cho lại trẻ đa dạng, đáp ứng nhiều buổi học ngoại khóa.

Cô Tuyết chia sẻ: “Để đạt hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ thì giáo viên cũng phải biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày bằng cách giao tiếp ngắn về cuộc sống của trẻ, xây dựng ý thức thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp. Chú ý thay đổi phương pháp dạy đổi mới hấp dẫn với trẻ sẽ cuốn hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ”.

Cô Giang Hồng Liếu - Hiệu trưởng nhà trường: “Cô Ánh Tuyết là giáo viên, năng nổ của trường trong mọi hoạt động. Cô rất yêu nghề, mến trẻ, biết đặt mình vào vị trí của phụ huynh nên hiểu phần nào những nỗi lo của họ mà nhiệt tình với công việc được giao.

Có kinh nghiệm trong nghề nên cô Tuyết sẵn sàng chia sẻ với đàn em trong trường, hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn trong tiết dạy. Có con nhỏ nhưng cô Tuyết vẫn dành nhiều thời gian cho công việc ở trường, ưu tiên công việc lên hàng đầu. Đây cũng là tấm gương tận tâm với nghề, nhân hậu với trẻ để giáo viên của trường noi theo…”

Vững tâm với nghề nuôi dạy trẻ, sống đúng với đạo đức nghề nghiệp là bí quyết để cô Tuyết dạy tốt, luôn là giáo viên giỏi được đồng nghiệp thương mến. Thời gian 5 năm giảng dạy dưới mái trường mầm non thân yêu, cô Tuyết đạt nhiều danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền. Đặc biệt, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, cô Tuyết được ngành GD-ĐT tỉnh nhà vinh danh “Giáo viên tiêu biểu của ngành Giáo dục Cà Mau”.

Go Top