Trò chơi cho trẻ mầm non cực hot

Ngày Đăng : 17/02/2019 - 11:02 PM
Nhằm giúp các bé được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần thì các giáo viên phải luôn không ngừng sáng tạo, phải lồng ghép các bài học thông qua các trò chơi cho trẻ mầm non.

Tại bài viết này, chúng tôi xin tổng hợp một số trò chơi cho trẻ mầm non vô cùng thú vị để các giáo viên có thể sử dụng đan xen thêm vào mỗi giờ học, giúp các giờ học của bé trở nên sinh động, thú vị hơn.

1. Trò chơi chuyền bóng cho trẻ mầm non

Trò chơi: Chuyền bóng

Mục đích

- Rèn luyện kĩ năng vận động

- Luật chơi: Ai làm rơi bóng phải ra ngoài một lần chơi.

Chuẩn bị: Từ 2 đến 3 quả bóng.

Cách chơi

Cho trẻ đứng thành vòng tròn (nếu lớp đông có thể chia thành nhiều vòng tròn). Cứ 10 trẻ thì có một trẻ cầm bóng. Khi giáo viên hô “bắt đầu” thì trẻ cầm bóng đầu tiên sẽ chuyền bóng cho bạn bên cạnh, lần lượt theo chiều kim đồng hồ. Vừa chuyền vừa hát theo nhịp:

Không có cánh

Mà bóng biết bay

Không có chân

Mà bóng biết chạy

Nhanh nhanh bạn ơi

Nhanh nhanh bạn ơi

Xem ai tài, ai khéo

Cùng thi đua nào.

Khi trẻ đã chơi thành thạo có thể chia làm hai hoặc ba nhóm và thi đua cùng nhau, nhóm nào ít bạn làm rơi bóng sẽ thắng cuộc.

2. Trò chơi thêm, bớt vật

Mục đích: Phát triển khả năng quan sát

Chuẩn bị: Đồ dùng, đồ chơi có sẵn trong lớp

Luật chơi:

Trẻ nói nhanh và đúng tên một số đồ dùng, đồ chơi của lớp được thêm hoặc bớt trong lúc thêm bớt đồ dùng, đồ chơi nào trẻ phải nắm lại.

Cách chơi

Giáo viên đưa từng đồ dùng, đồ chơi của lớp cho trẻ quan sát và gọi tên. Sau đó cho tất cả vào túi. Khi bắt đầu chơi, giáo viên yêu cầu trẻ nhắm mắt lại (dùng hiệu lệnh) đồng thời đưa các đồ vật sau khi đã thêm hoặc bớt ra bày trước mặt trẻ. Cho trẻ mở mắt (dùng tín hiệu) và nhận xét có đồ dùng đồ chơi nào được thêm hoặc bớt đi. Trẻ nói đúng được tất cả nhóm vỗ tay hoan hô.

3. Trò chơi xếp hình

Mục đích: Rèn luyện sự khéo léo và khả năng sáng tạo.

Chuẩn bị

Bộ xếp hình theo mục đích của trò chơi (hột, hạt, que, hình vuông, hình tròn, hình tam giác) và hình mẫu.

Cách chơi

Cô cho trẻ xem hình mẫu đã xếp sẵn. Sau đó, trẻ tự xếp hình theo mẫu hoặc theo gợi ý của cô giáo. Khi trẻ xếp xong, cô hỏi trẻ: Cháu vừa xếp hình gì?” và phát triển nội dung cuộc đàm thoại bằng các câu hỏi mở.

Go Top